ĐỪNG CHẾT

Khi xã hội loài người ngày càng phát triển, trái đất bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng, các thảm họa chiến tranh, môi trường diễn ra thường xuyên hơn, khi tội ác ngày càng gia tăng,thời sự chỉ toàn đưa tin về những điều tệ hại, và khi cuộc sống của mỗi cá nhân ngày càng nhiều áp lực, con người cũng có nhiều lý do để tìm đến cái chết sớm, trái với tự nhiên.

Chúng ta đã quá quen thuộc khi đọc những thông tin về các vụ tự sát do trầm cảm của người nổi tiếng, cũng không còn xa lạ với những tiểu thuyết viết về sầu bi và tự tử.

Nhưng bạn đã từng bao giờ nghĩ đến một cửa hiệu chuyên kinh doanh các mặt hàng, thiết bị dùng cho những người muốn tìm đến cái chết? Bạn đã từng bao giờ gặp được người bán hàng có thể tư vấn cho bạn những cách thức tự kết liễu đời mình phù hợp nhất, độc đáo nhất và thú vị nhất? Nếu chưa từng, hãy đến với Cửa hiệu tự sát của Jean Teulé, nơi mọi áp lực của cuộc sống, mọi mệt mỏi trong công việc, mọi thất vọng về bản thân, mọi nỗi đau tinh thần sẽ tan biến – một lần và mãi mãi.

Câu chuyện mở đầu bằng một cửa hiệu nhỏ, nơi không bao giờ có ánh nắng hồng vui tươi lọt vào, với khẩu hiệu độc nhất vô nhị: “Quý khách đã thất bại trong cuộc sống? Đến với chúng tôi, quý khách sẽ thành công trong cái chết.”

Cùng với tiêu chí này, cả gia đình người chủ cửa hàng đều là những người luôn buồn bã, chán nản với sự sống và rất giỏi trong việc chế tạo những chất liệu để giúp người khác giải thoát khỏi cuộc đời tệ hại.

Trong thành phố – hay rộng hơn là thế giới tương lai giả tưởng Jean Teulé tạo ra, tất thảy chìm trong màn xám xịt khiến người ta không thể không nảy sinh ý định tự vẫn. Bởi lẽ xung quanh họ liệu còn điều gì tốt đẹp? Môi trường ô nhiễm, thiên tai, chiến tranh, bệnh tật, sự đời bế tắc… và chết được coi là cách giải quyết hết mọi vấn đề.

cua_hieu_tu_sat

Cuộc sống thực tế không phải lúc nào cũng có màu hồng. Nhiều lúc đi mãi không tìm thấy ánh sáng. Nhưng mà dừng lại nghĩa là… chết. Đừng chết. Alex Haley là một nhà văn lớn, tác giả quyển “Cội Rễ” – tiếng vang của thập niên 70. Trước khi quyển sách ra đời ông từng sống bằng ba hộp cá mòi trong một tháng và ngủ trọ chui, cuối cùng khổ quá thuê một cái thuyền lênh đênh trên biển tính tự sát. Tức là phải đến đường cùng rồi người ta mới tính đến chuyện kết liễu đời mình. Nhưng nếu ông tự sát thật thì làm gì cho ra đời được quyển”Cội Rễ”?

Theo thời gian, cái Cửa Hiệu Tự Sát gia truyền của dòng họ Tuvache trong truyện đã ăn nên làm ra đến chục đời. Nó có lẽ sẽ mãi mãi như thế, được kế nghiệp bởi những gương mặt sầu thảm cho đến ngày chính các hậu duệ ấy tìm được cách chết quách đi. Nhưng một điều khác thường đã xảy ra: đứa con út của cặp vợ chồng Tuvache (do một thử nghiệm không may) chào đời.

Alan không như bố mẹ mình đon đả mời chào khách hàng mua cái chết. Cũng không giống anh trai Vincent luôn ám ảnh với cách thức giết người hàng loạt. Hay chị gái Marilyn – người sẽ hạnh phúc biết bao cái ngày được nằm trong cỗ quan tài. Alan là ánh nắng rọi vào cửa tiệm u ám, lây lan chính niềm lạc quan không giới hạn đến mọi người xung quanh. Xét theo một nghĩa nào đó, điều ấy gây bất lợi cho cửa hàng. Theo nghĩa khác, chính nó lại cần thiết cho chuỗi ngày thê lương của họ.

Mặt trời bé con, niềm hy vọng ít ỏi nhưng không lụi tắt trong chốn buôn bán tử thần, trong không gian ngự trị nỗi tuyệt vọng. Alan, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ đã chỉ ra rằng: Đời thay đổi khi ta thay đổi. Thay vì tìm lý do để chết hãy khơi gợi lòng khát khao sống. Vì chết là cách tệ nhất để lãng phí cuộc đời.

Thành công, mong ước mỏi mòn của chúng ta về những thứ tốt đẹp hơn không phải lúc nào cũng đến ngay, nhiều khi nó đến muộn kinh khủng. Vì thế nên dù có gì xảy ra đi chăng nữa, hãy cố gắng sống mà đợi nó đến. Đừng dại dột từ bỏ ngay cả khi bạn đã cùng đường, vì còn nhiều lắm những lý do đáng để sống. Đừng chết.

Leave a comment